Một ngày du xuân khám phá các ngôi chùa tại hai thành phố Dĩ An của Bình Dương và Biên Hòa của Đồng Nai

10/01/2025 73 0 Tải về

Du lịch tâm linh là một trong những loại hình du lịch được nhiều người lựa chọn nhất là vào dịp đầu năm, gắn với phong tục đi lễ chùa của người dân Việt Nam với mong muốn cầu cho một năm được bình an, mạnh khỏe và gặp nhiều thành công, may mắn. Dĩ An và Biên Hòa là thành phố liền kề nhau và có rất nhiều địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua. Dưới đây là gợi ý về hành trình du xuân khám phá các ngôi chùa dịp đầu năm tại hai thành phố mà bạn có thể trải nghiệm trong những ngày đầu năm Ất Tỵ này. 

 

Buổi sáng (tại Dĩ An):

** Chùa Thiên Quang Ni Tự (thời gian tham quan khoảng 45 phút)

Chùa Thiên Quang được Ni trưởng Huệ Giác, viện chủ Quan Âm tu viện Biên Hòa , Đông Nai khai sơn vào năm 1972. Trong quá trình 40 năm từ khi thành lập chùa nằm trong khu vực hồ đá. Đến năm 2011, Ni trưởng Huệ Giác hiến đất Thiên Quang cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương làm nơi xây dựng chùa. Nhận được sự hỗ trợ của sở Nội Vụ, các cấp chính quyền địa phương và lòng hảo tâm từ các mạnh thường quân. Đến tháng 06/2012 thì tịnh thất Thiên Quang chính thức trở thành chùa Thiên Quang. Hiện nay, người vinh dự tiếp nhận chủ trì chùa Thiên Quang là sư cô Thích Nữ Hương Nhũ. Đến với chùa, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan tươi mát, tận hưởng không khí mát mẻ, thanh tịnh của chùa.

** Chùa núi Châu Thới (thời gian tham quan khoảng 60 phút)

Chùa núi Châu Thới là điểm đến nổi tiếng của Dĩ An và nằm trên núi Châu Thới. Núi Châu Thới là một ngọn núi nằm ở tại phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Núi có độ cao chỉ khoảng 82 m nhưng được mệnh danh là ngọn núi trấn giữ xứ Đồng Nai xưa. Khu vực núi đã được xếp hạng danh thắng quốc gia ngày 21 tháng 4 năm 1989. Trên núi có ngôi chùa Châu Thới. Ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17 bởi thiền sư Khánh Long. Tại đây quý khách sẽ bước lên 220 bậc thang để đến với chùa và chiêm ngưỡng cảnh sắc hữu tình, tận hưởng không khí mát mẻ, thanh tịnh của chùa. Đến với ngôi chùa này vào dịp đầu năm, du khách có thể chiêm bái, vãn cảnh chùa, chụp và lưu giữ cho mình những bức ảnh đẹp cùng người thân, bạn bè.

** Chùa Đức Hòa (thời gian tham quan khoảng 45 phút)

Tổ đình Đức Hòa, hay chùa Đức Hòa nằm ở số 1A/1 khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Chùa Đức Hòa được xây dựng từ năm 1957 trên một khu đất rộng, trải qua nhiều đợt xây dựng và trùng tu để thành hình dáng như ngày nay với chánh điện, tháp xá lợi, các tượng Phật giáo uy nghiêm và đặc sắc. Phần chánh điện tổ đình Đức Hòa có kiến trúc và trang trí mang đậm nét xưa cổ với hoành phi, câu đối, liễu võng, đại tự. Đến với ngôi chùa này vào dịp đầu năm, du khách cũng sẽ cảm nhận được không khí mát mẻ, yên bình và có thể chiêm bái, vãn cảnh chùa, chụp và lưu giữ cho mình những bức ảnh đẹp cùng người thân, bạn bè.

Buổi trưa (thời gian ăn nghỉ trưa khoảng 90 phút) :

Nếu bạn không phải là người ăn chay thì ở thành phố Dĩ An có rất nhiều hàng quán để bạn có thể lựa chọn cho bữa ăn trưa của mình trước khi di chuyển qua Thủ Đức. Nếu bạn là người ăn chay thì ở Dĩ An cũng vẫn có nhiều quán cơm chay, lẩu chay để bạn lựa chọn. Vì đây là một hành trình khám phá các ngôi chùa, hành hương nên việc ăn chay sẽ được khuyến khích hơn. Dưới đây là một số quán cơm chay, lẩu chay có tiếng tại Dĩ An mà bạn có thể tham khảo :

+ Quán chay Thu Viên có địa chỉ ở số 148, đường Lý Thường Kiệt, phường Dĩ An

+ Lẩu chay Nhà Sen có địa chỉ ở số 31, đường Cao Bá Quát, phường Dĩ An

+ Quán cơm chay chùi Bùi Bửu, số 190, đường Nguyễn An Ninh, phường Dĩ An

+ Lẩu chay Hằng Thiện, có 2 địa chỉ gồm địa chỉ ở số 72/6, đường Tô Vĩnh Diện, phường Đông Hòa và địa chỉ có địa chỉ ở số 5, đường Phạm Hữu Lầu, phường Dĩ An

Buổi chiều (Tại thành phố Biên Hòa): 

** Chùa Ông – Thất phủ cổ miếu (thời gian tham quan khoảng 45 phút)

Chùa Ông hay còn gọi Thất Phủ cổ miếu là một trong những ngôi miếu cổ nhất của người Hoa ở xứ Nam bộ trên vùng đất cù lao Phố ngày nay là phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa Ông nằm bên cạnh dòng sông Đồng Nai, trước đây là miếu Quan Đế, được khai tạo năm 1684, sau 6 năm tướng Trần Thượng Xuyên người Hoa xin thuần phục Chúa Nguyễn, đưa lưu dân người Hoa đến vùng đất Cù Lao Phố khai hoang, lập nghiệp. Chùa Ông thờ Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng nhiều vị thần khác trong tín ngưỡng của người Hoa. Trong chùa hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật minh chứng cho những thành tựu nghệ thuật của các nghệ nhận thuộc làng nghề chạm khắc đá Bửu Long - một làng nghề hơn 300 tuổi ở Biên Hòa. Nơi đây thu hút rất đông người đến nhất là vào dịp lễ, Tết. Vào dịp Tết, nơi đây sẽ được trang trí rực rỡ và đầy màu sắc. Đến với nơi này vào dịp đầu năm, du khách cũng sẽ cảm nhận được không khí mát mẻ, yên bình có thể ngắm nhìn chiếc cầu Ghềnh ở phía xa và dòng sông Đồng Nai thơ mộng chảy qua. Du khách có thể chiêm bái, cầu nguyện, vãn cảnh chùa, chụp ảnh cho mình những bức ảnh đẹp cùng người thân, bạn bè và xin lộc, xin xăm đầu năm.

** Chùa Đại Giác (thời gian tham quan khoảng 45 phút)

Chùa Đại Giác tọa lạc ở phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trên vùng đất cù lao Phố. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, tương truyền được nhà sư Thành Đẳng, cùng một số người chèo ghe, thuyền đến Cù lao Phố (nay là phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) khẩn hoang và dựng lên chùa Đại Giác (1665). Chùa Đại Giác có diện tích khoảng 3.000 m2 với hai cổng xây bằng gạch ra vào, xung quanh có tường rào bao bọc. Sau nhiều lần trùng tu, hiện nay chùa cất theo lối chữ tam (三) với ba dãy nhà ngang nối liền nhau. Chùa nổi bật với cổng màu vàng cổ kính, với hai lớp mái lợp ngói âm dương màu xanh, tên chùa màu đỏ bắt mắt ghi ở giữa và trên đỉnh cổng được đặt những bức tượng rồng được điêu khắc tinh xảo, công phu đang chầu long, trông cực kỳ ấn tượng. Chùa Đại Giác còn nổi tiếng với một câu chuyện tương truyền về mối tình của công chúa Ngọc Anh (con vua Gia Long) và thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành. Khuôn viên chùa là khá rộng rãi và ngày Tết được trưng nhiều hoa, trang trí tiểu cảnh rực rỡ. Đến với ngôi chùa này vào dịp đầu năm, du khách cũng sẽ cảm nhận được không khí mát mẻ, yên bình và có thể chiêm bái, vãn cảnh chùa, chụp và lưu giữ cho mình những bức ảnh đẹp cùng người thân, bạn bè.

** Chùa Long Thiền (thời gian tham quan khoảng 45 phút)

Theo tài liệu lưu tại Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, chùa Long Thiền được xây dựng vào năm 1664 bởi tổ sư Thành Nhạc từ miền Trung vào. Chùa Long Thiền ngày nay thuộc phường Bửu Hòa của thành phố Biên Hòa. Chùa Long Thiền ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ, cột gỗ, vách ván, mái lợp lá dừa nước, nền đất sét. Qua hơn ba thế kỷ, chùa đã nhiều đợt trùng tu, trong đó có ba đợt trùng tu, sửa chữa lớn vào các năm 1748, 1842 và 1952. Chùa Long Thiền có kiến trúc kiểu chữ tam (三) truyền thống. Chánh điện, nhà thờ Tổ, giảng đường, tăng đường, nhà trù tiếp nối nhau. Chùa có cách bài trí ở từng khu vực rất hài hòa. Phần chánh điện toát lên vẻ uy nghiêm với hệ thống các ban thờ. Khoảng sân rộng của chùa có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát. Những hàng cột chính trong chánh điện chạm khắc tinh tế đề tài hoa điểu, bát tiên, lý ngư hóa long, nhật nguyệt, tứ linh một cách tinh tế. Khuôn viên chùa là khu vườn rộng, còn lưu lại những bảo tháp cổ, trong đó có bảo tháp của tổ sư Thành Nhạc với tấm bia bằng đá xanh chạm khắc tinh xảo. Đến với ngôi chùa này vào dịp đầu năm, du khách cũng sẽ cảm nhận được không khí mát mẻ, yên bình và ngắm nhìn dòng sông Đồng Nai chảy qua. Đối diện chùa, bên kia sông chính là trung tâm của thành phố Biên Hòa nhộn nhịp. Du khách có thể chiêm bái, vãn cảnh chùa, chụp và lưu giữ cho mình những bức ảnh đẹp cùng người thân, bạn bè. 

** Chùa Bửu Phong (thời gian tham quan khoảng 45 phút)

Chùa tọa lạc trên núi Bình Điện, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Chùa Bửu Phong là ngôi cổ tự có niên đại gần 400 năm, là một ngôi chùa cổ nổi tiếng của tỉnh Đồng Nai. Năm 1991, chùa Bửu Phong đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Nghệ thuật cấp Quốc gia. Chùa Bửu Phong được xây dựng theo hình chữ “Tam” – kiến trúc điển hình của các điển chùa thời Trần với chính điện, giảng đường và nơi thờ tổ, ngoài ra còn có các công trình phụ như: phòng tăng ni và nhà dưỡng tăng. Nổi bật nhất là tòa chính điện rêu phong cổ kính được xây bằng gạch thẻ, quét vôi trắng và mái lợp ngói âm dương đậm chất chùa Việt. Mặt trước của chùa có 7 cửa vòm được quét sơn vàng bắt mắt, trong đó 3 cửa chính ở giữa bằng nhau cao 3 m, rộng 2 m, hai bên là 4 cửa nhỏ để trang trí. Cách chùa 20 m còn có giếng nước được tương truyền là nơi mà vua Gia Long từng cho người đào để sinh hoạt, xung quanh thành giếng được xếp bằng đá vuông đẹp mắt. Chùa còn có hòn đá Long Đầu và đài Tam Thế Phật – nơi đã từng nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Đến với chùa, du khách sẽ được hòa mình vào không gian yên bình, mát mẻ. Từ sân chùa nếu phóng tầm mắt ra xa, du khách còn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh bao la tươi đẹp của vùng đất Bửu Long, Biên Hòa ở phía dưới, với những hồ nước, núi đá cùng khu du lịch Bửu Long đầy thơ mộng.

Một số lưu ý khi đi lễ chùa đầu năm mà bạn cần ghi nhớ để có một chuyến du xuân vãn cảnh chùa đầu năm vui tươi, thuận lợi :

+  Đến chùa cần mặc trang phục lịch sự, kín đáo, gọn gàng.

+ Không nên nói chuyện, cười đùa lớn tiếng, không nói những nội dung, vấn đề nhạy cảm, thô tục khi tham quan, vãn cảnh chùa

+ Không nên chen lấn, xô đẩy, phải chú ý tư trang, tài sản cá nhân vào những lúc có đông người đến tham quan, vãn cảnh chùa.

+ Không tham gia các hình thức mê tín dị đoan.

 

TTXTDL - Huỳnh Trần Huy

Sample Plan