Du lịch khám phá, tìm hiểu lịch sử địa phương là một loại hình du lịch có tiềm năng phát triển rất lớn ở Bình Dương. Mỗi vùng đất, địa phương trong tỉnh đều mang trong mình một câu chuyện lịch sử riêng, từ các di tích cổ, các bảo tàng lịch sử, các chứng tích chiến tranh,... Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương và Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương nổi bật trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với nhiều chiến công hiển hách, thể hiện tinh thần kiên cường, dũng cảm của quân và dân ta. Dưới đây là gợi ý các điểm đến mà bạn có thể tham quan, tìm hiểu về lịch sử một thời hào hùng khi khám phá huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) kết hợp khám phá huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh). Qua những gợi ý trên cũng sẽ góp phần giúp bạn có một chuyến đi đầy thú vị, ý nghĩa, tạm lánh xa đi những xô bồ, muộn phiền trong cuộc sống thường ngày và có được nhiều khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp.
1/ HUYỆN DẦU TIẾNG (TỈNH BÌNH DƯƠNG)
** Rừng Kiến An (thời gian tham quan khoảng từ 60 – 90 phút)
Rừng Kiến An nằm ở tỉnh lộ 748, ấp Bàu Khai, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Rừng Kiến An đã được chọn làm căn cứ cách mạng từ thời Pháp thuộc. Khi ấy, Pháp phân loại khu rừng này là rừng cấm 124, giáp với rừng cấm 123 ở An Tây, Bến Cát. Với địa hình thuận lợi là một khu rừng già, nằm giữa 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính, rừng Kiến An trở thành vị trí đắt địa, có tầm quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự trên cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn. Cùng với các vùng căn cứ kháng chiến ở Bến Cát, nơi đây đã trở thành căn cứ của cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, là cái nôi của chiến khu Bắc Bến Cát. Căn cứ cách mạng rừng Kiến An đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là Di tích cách mạng cấp tỉnh tại Quyết định 3875/QĐ-UB, ngày 02 tháng 6 năm 2004.
Đến đây, bạn sẽ được ôn lại lịch sử hào hùng của cha ông ta qua hai cuộc kháng chiến, được xem những hình ảnh tư liệu lịch sử để thông qua đó vun đắp cho bản thân thêm về tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn.
** Làng cao su thời Pháp thuộc (thời gian tham quan khoảng 60 - 90 phút)
Di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc hiện tọa lạc ở ấp Hiệp Phước, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Di tích thuộc lô 50 của Nông trường Cao su Trần Văn Lưu, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và di tích đã được công nhận Di tích văn hóa cấp Tỉnh vào ngày 01/04/2009 và được trùng tu xây dựng với diện tích 6,9 ha; khánh thành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công ty (21/5/1981 – 21/5/2011) và đón khách cho đến nay.
Di tích lịch sử Làng cao su thời Pháp thuộc được chia thành nhiều khu trưng bày với các hiện vật có giá trị được sưu tầm nguyên bản, bao gồm: 3 căn nhà ở của phu mủ cao su ngày trước với hai căn xây bằng đá, căn còn lại xây bằng gạch được hoàn thành vào những năm 1925 – 1935. Ngoài ra, ở đây vẫn còn đó một nhà máy chế biến mủ tờ dời từ phần của nhà máy trung tâm do người Pháp để lại ngày trước cùng một máy bửa củi. Ngoài ra, khu vực nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật như khuôn đúc làm tô mủ, thùng trút mủ vào thời kỳ trước cũng xuất hiện tại đây. Du khách khi đến đây sẽ nhìn thấy vô số hình tượng người công nhân với tư thế đứng cạo mủ, tay xách thùng cùng những dụng cụ lao động thô sơ khác. Bên cạnh đó, ở đây còn tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt trong nếp sống thường ngày của người công nhân một cách sinh động.
Di tích lịch sử Vườn cao su thời Pháp thuộc là một di tích lịch sử, địa chỉ đỏ mà bạn không nên bỏ qua. Nơi đây đã chứng kiến những tháng ngày đen tối và khốn khổ đến cùng cực của những kiếp người nhỏ bé, thân phận đầy cực khổ, đắng cay của những người phu cao su.
2/ HUYỆN CỦ CHI (THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)
** Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (thời gian tham quan khoảng 3 - 4 tiếng)
Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử nổi tiếng không chỉ đối với khách du lịch Việt Nam mà còn với khách du lịch quốc tế. Địa đạo được xem như là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt trong suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, …
Địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai địa điểm:
- Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 54/VHQĐ ngày 29 tháng 4 năm 1979.
- Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 12 năm 2004.
Đến Bến Dược, du khách sẽ được tham quan hệ thống địa đạo, những căn hầm của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy và Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã từng sống, chiến đấu trong suốt thời kỳ chiến tranh. Nơi trưng bày các loại bom, pháo của quân đội Mỹ đã từng sử dụng trên chiến trường Củ Chi và các loại vũ khí du kích Củ Chi dùng để chiến đấu sẽ là nơi đầu tiên mà du khách tham quan. Du khách sẽ đi tham quan thực tế đường hầm với các công trình nằm sâu dưới lòng đất như: Hầm ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, hầm hội họp, hầm giải phẫu, hầm chữ A chống sụp lỡ khi bom pháo nổ gần, hầm chứa lương thực và vũ khí, nắp bí mật, lỗ thông hơi, ổ chiến đấu, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, công binh xưởng, nhà may quân trang, nhà cắt dép râu, nhà trưng bày vũ khí tự tạo…Đặc biệt, du khách sẽ tận mắt chứng kiến một phát minh hết sức sáng tạo trong việc giấu khói của bếp Hoàng Cầm và thưởng thức món ăn của du kích năm xưa mà giờ đây đã trở thành đặc sản như cơm vắt, khoai mì chấm muối đậu. Tại đây còn có Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược - nơi du khách sẽ có một phút lắng đọng tâm hồn để mặc niệm và thắp hương tưởng nhớ đến đồng bào, các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh anh dũng.
Đền Bến Dược
Đến Bến Đình, cũng giống như địa đạo Bến Dược, khi đến tham quan, du khách sẽ được xem phim tư liệu tại hội trường và nghe giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của hệ thống địa đạo chiến Củ Chi. Ngoài việc tham quan hệ thống đường hầm, nơi ăn ở, sinh hoạt, hội họp của các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Củ Chi, hầm chế tạo vũ khí, nhà trưng bày vũ khí tự tạo…nơi đây còn có hệ thống chiến hào chằng chịt, có đường địa đạo ra hướng căn cứ Đồng Dù, nơi Sư đoàn 25 của Mỹ có biệt hiệu là “Tia chớp nhiệt đới” đóng quân. Và càng thú vị hơn, du khách sẽ nhìn thấy xác chiếc xe tăng M41 của quân đội Mỹ bị vướng mìn gài của du kích năm 1970 nằm giữa khu rừng. Đây là minh chứng cho sự thất bại của quân đội Mỹ trên chiến trường Củ Chi khi phải đối mặt với một đội quân vô hình dưới lòng đất. Trên đường tham quan du khách càng thêm phấn khích khi nghe tiếng súng vọng lại từ xa và sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội thử cảm giác mạnh và tài bắn súng của mình tại Trường bắn thể thao quốc phòng. Kết thúc chuyến tham quan, du khách sẽ ghé thăm khu vực bán hàng lưu niệm để thỏa thích lựa chọn cho mình, người thân và bạn bè những mặt hàng lưu niệm chiến tranh được làm từ vỏ đạn như: Đèn dầu, bật lửa, bút bi, dây đeo, hay đôi dép râu làm từ lốp xe cũ và những mặt hàng sơn mài, mỹ nghệ cao cấp, những mặt hàng mây, tre, lá đặc trưng của các làng nghề ở Củ Chi. Bên cạnh đó, địa đạo Bến Đình còn có nhà hàng trên sông Sài Gòn thoáng mát, với phong cảnh thiên nhiên hữu tình chuyên phục vụ những món ăn đặc sản đồng quê của miền Đông Nam bộ và của vùng đất Củ Chi anh hùng.
Kết thúc hành trình
TTXTDL - Huỳnh Trần Huy